Thủy sản

Tàu cá Nam Trung bộ thiếu nơi tránh trú bão: Khu neo đậu chật hẹp

Theo quy hoạch thì Bình Định có 3 khu neo đậu tàu cá khá “hoành tráng”, thế nhưng những khu neo đậu này chưa được đầu tư và hầu hết đều quá tải.

Tàu bị bừa neo trong mùa mưa bão

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định, phụ trách Cảng cá Quy Nhơn, sức chứa của Cảng cá Quy Nhơn hiện chỉ có khoảng 400 tàu cá, thế nhưng đến mùa mưa bão, không chỉ có tàu cá của ngư dân Quy Nhơn về neo đậu mà hầu như những tàu cá của ngư dân Thị xã Hoài Nhơn và ngư dân huyện Phù Cát đều tập trung về đây tránh trú bão.

Ngư dân Nguyễn Văn Bé, thuyền trưởng tàu cá BĐ 97737 TS ở phường Hoài Hương (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), cho biết: “Nơi neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn có núi che chắn chung quanh nên rất kín gió, mùa mưa bão cho tàu vào đây nấp rất an toàn. Hơn nữa, vào mùa mưa bão, Cảng cá Quy Nhơn bố trí lực lượng sắp xếp tàu cá rất chỉn chu nên hạn chế được nạn va đập khiến phương tiện hư hỏng”.

Empty

Tàu cá neo đậu tránh bão Noru ở Âu thuyền Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam) bị sóng đánh chìm. Ảnh: L.K.

Thế nhưng đó là nói khi tàu cá cập vào Cảng cá Quy Nhơn với số lượng vừa phải, chứ nếu tàu ùn ùn vào neo đậu tại vùng nước từ cầu Hàm Tử đến đường Phan Chu Trinh (TP.Quy Nhơn) và Cảng cá Quy Nhơn thì nguy cơ sẽ xảy ra.

Tài trợ bởi
Tàu cá Nam Trung bộ thiếu nơi tránh trú bão: Khu neo đậu chật hẹp 1

Ví như vào mùa mưa bão năm 2019, tại Cảng cá Quy Nhơn đã xảy ra tình trạng tàu cá bị bừa neo khiến trên 10 phương tiện bị hư hỏng nặng. Ngư dân Trương Hoài Khánh ở phường Đống Đa (TP.Quy Nhơn), chủ tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99279 TS (940CV), nhớ lại: Khi ấy là cuối tháng 10/2019, tàu của anh Khánh đang neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn để tránh cơn bão số 5. Trong bão, nhờ là tàu vỏ thép nên tàu anh Khánh trụ được. Thế nhưng sau khi bão tan, hoàn lưu bão khiến gió đổi hướng, những tàu vỏ gỗ đều bị bừa neo, trôi tấp hết vào cầu tàu. Những chiếc tàu gỗ bị bão quăng tới tấp vào tàu của anh Khánh, sự va đập khiến neo tàu anh Khánh bị đứt và quấn vào chân vịt.

Tài trợ bởi Tàu cá Nam Trung bộ thiếu nơi tránh trú bão: Khu neo đậu chật hẹp 2

“Khi ấy tàu của tôi đã nổ máy nhưng không di chuyển được vì chân vịt đã bị tê liệt. Hôm đó tàu cá vào neo đậu trong Cảng cá Quy Nhơn quá nhiều, những tàu vào sau không có chỗ đậu nên phải đậu bên ngoài. Khi có gió lớn, hơn 10 tàu cá bị bừa neo, dạt vào cầu cảng làm bể thành cầu cảng, những chiếc tàu bị bừa neo cũng hư hỏng nặng”, anh Khánh kể.

Hoặc như vào mùa mưa bão năm 2018, tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát) cũng đã xảy ra nạn tàu cá bị bừa neo, va đập nặng rồi xô dạt vào bờ làm hư hỏng hơ 10 tàu cá của ngư dân địa phương.

Empty

Tàu cá neo đậu tránh trú Âu thuyền Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam) bị bão Noru đánh chìm. Ảnh: L.K.

“Hôm ấy nước trên nguồn xuống quá lớn, trước khi bão đổ bộ vào đất liền, tàu cá muốn vào Cảng cá Đề Gi nấp bão nhưng không dám vào vì thấy nước nguồn quá hỗn, nên phải đậu ngoài luồng. Đến khi bão ập đến, những tàu cá này bị bừa neo trôi dạt cả ra cửa biển, sau đó bị sóng từ cửa biển đánh xô dạt vào bờ, đẩy hết lên bãi, bão tan thấy hàng chục tàu cá vỡ toang nằm la liệt trên bờ”, ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định nhớ lại.

Theo quy hoạch, khu neo đậu tại Cảng cá Đề Gi có sức chứa khoảng 2.000 tàu cá, thế nhưng đến mùa mưa bão ít tàu nào dám về đây tránh trú vì bên trái luồng vào cảng bị bồi lấp khiến luồng lạch bị hẹp lại, tàu chỉ có thể vào cảng theo luồng bên phải. Thế nhưng luồng vào bên phải hiện nay vướng trụ cầu Đề Gi mới xây dựng, lại thêm từ mặt nước đến gầm cầu cao chỉ khoảng 10m, trong khi tàu cá bây giờ hầu hết có công suất lớn, giàn đèn cao nên rất khó khăn khi vào nơi neo đậu, nhất là vào mùa bão lũ.

Hạ tầng các khu neo đậu chưa đáp ứng được yêu cầu

Hiện 1 số khu vực ở tỉnh Quảng Nam chưa có nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn cho tàu cá. Ngư dân phải neo thuyền ở những khu vực truyền thống dọc các sông hoặc bãi ngang, gây nhiều bất cập, khó khăn cho ngư dân tại địa phương. Các khu neo đậu tránh trú bão chỉ được đầu tư hoàn thiện ở giai đoạn đầu, còn thiếu các công trình phụ trợ, dịch vụ hậu cần nghề cá; qua nhiều năm sử dụng nhưng chưa được duy tu, bão dưỡng định kỳ, nên bị cạn do phù sa bồi lắng, đặc biệt là các luồng ra vào khu neo đậu bị cạn gây khó khăn khi tàu thuyền di chuyển.

Thực tế thời gian qua cho thấy, khi những cơn bão lớn đổ bộ vào tỉnh Quảng Nam, một số tàu thuyền neo đậu ở những khu vực truyền thống bị sóng đánh chìm, hư hỏng, gây thiệt hại không nhỏ cho ngư dân. Gần đây nhất, cơn bão Noru vào cuối tháng 9 vừa qua, tại Âu thuyền Tam Tiến (huyện Núi Thành) và đoạn sông Trường Giang chảy qua xã Tam Tiến, có 3 tàu cá công suất từ 30CV đến trên 700CV bị sóng đánh chìm một phần, kinh phí khắc phục, sữa chữa ước tính khoảng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

3

Các khu neo đậu tàu cá ở Bình Định hiện đã quá tải. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, việc tàu cá bị thiệt hại trong các cơn bão hiện nay là do sự va đập giữa các tàu khi neo đậu tránh trú. Dưới áp lực của số lượng lớn tàu cá, tỉnh Quảng Nam rất cần nâng cấp cũng như xây dựng các cảng cá, khu neo đậu để đáp ứng đủ cho tàu thuyền tránh trú một cách an toàn nhất. “Các cảng cá, khu neo đậu theo quy hoạch đều đáp ứng đủ điều kiện để xây dựng. Nhưng khó khăn nhất vẫn là vấn đề về kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng. Do đó, rất cần sự quan tâm đầu tư của tỉnh và Trung ương. Nếu kêu gọi được doanh nghiệp vào đầu tư thì càng tốt”, ông Long chia sẻ.

Tỉnh Quảng Ngãi có trên 4.570 tàu cá, với tổng công suất gần 1,8 triệu CV, trong đó tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên chuyên khai thác xa bờ là 3.261 chiếc.

Theo Ban quản lý các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, nhiều công trình cảng cá trên địa bàn đầu tư chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ do hạn chế về vốn phải đầu tư phân nhiều giai đoạn và đầu tư kéo dài do đó việc quản lý, sử dụng công trình cảng gặp nhiều khó khăn và chưa phát huy hiệu quả.

Luồng vào cảng qua thời gian sử dụng bị bồi lấp dần, làm cho tàu thuyền ra vào cảng rất khó khăn đặc biệt trong những ngày có sóng to gió lớn; độ sâu vũng neo đậu bị bồi lấp dần dần qua thời gian sử dụng, không đủ nơi neo đậu cho tàu về cập cảng bốc dỡ thủy sản đi tiêu thụ, chờ tiếp nhận nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho chuyến biển tiếp theo; đặc biệt khi có bão, biển động thiếu nơi neo đậu cho tàu tránh trú bão.

4

Nơi neo đậu chật chội gây khó khăn cho việc lên cá để tiêu thụ. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Trần Lê Hồng Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá của tỉnh đã đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng chưa đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền trên địa bàn tỉnh. Do đó tàu thuyền phải neo đậu tại các cửa sông, bến cá hình thành tự phát, không an toàn khi có bão lũ và việc tiếp nhận nguyên liệu, bốc dỡ sản phẩm đánh bắt để tiêu thụ là hết sức khó khăn.

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc neo đậu tránh trú bão của tàu cá, chúng tôi đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét tiếp tục đầu tư hoàn thiện các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá trên địa bàn. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các hạng mục công trình tại các cảng cá Sa Huỳnh, Tịnh Kỳ và khu neo đậu trú bão tàu cá Tịnh Hòa, Lý Sơn với kinh phí khoảng gần 7 tỷ đồng”, ông Trần Lê Hồng Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi thông tin.

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button