Thủy sản

‘Nhức đầu’ với nhóm tàu cá dưới 15m

Bình Định không cho đóng mới tàu cá có chiều dài dưới 15m, tạm dừng cấp phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu cá dưới 15m hoạt động ở ngoài tỉnh.

Quyết liệt với nhóm tàu nguy cơ cao

Trong quý I/2023, tỉnh Bình Định có 3 tàu cá với 16 lao động đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài bị Malaysia bắt giữ; trong đó, huyện Phù Cát có 2 tàu với 11 thuyền viên và thị xã Hoài Nhơn có 1 tàu với 5 thuyền viên.

Trước khi Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu kiểm tra lần thứ 4, Bình Định quyết tâm hơn trong công tác ngăn chặn nạn tàu cá đánh bắt vi phạm IUU.

Điểm nghẽn trong công tác ngăn chặn tàu cá đánh bắt vi phạm IUU ở Bình Định là những tàu vi phạm đều là tàu có chiều dài dưới 15m, hầu hết đều cũ kỹ, có giá trị thấp, không thuộc nhóm phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nên cơ quan chức năng không giám sát được quá trình tàu hoạt động trên biển.

Theo rà soát của Chi cục Thủy sản Bình Định, toàn tỉnh này hiện có đến 455 tàu cá có nguy cơ vi phạm IUU cao, trong đó chỉ có 140 tàu có chiều dài thân tàu trên 15m, còn lại là tàu có chiều dài dưới 15m.

Tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thêm vào đó, những tàu cá vi phạm đều xuất bến tại các cảng cá ngoài tỉnh, nhiều năm liền không đưa tàu về địa phương nên nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành chức năng. Trước thực tế trên, để ngăn chặn vi phạm IUU, ngành chức năng Bình Định không cho đóng mới tàu dưới có chiều dài 15m và tạm dừng cấp phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu cá dưới 15m hoạt động ở ngoài tỉnh.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, đầu tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã ký kết quy chế phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong công tác quản lý tàu cá, chống khai thác vi phạm IUU.

Hiện Bình Định đang tiếp tục tiến hành ký kết cùng nội dung nói trên với các tỉnh Tiền Giang, Bình Thuận, Cà Mau, Kiên Giang, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Ninh Thuận… những địa phương có tàu cá của ngư dân Bình Định thường xuyên hoạt động.

“Song song với việc không cho đóng mới tàu dưới 15m và tạm dừng cấp phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu cá dưới 15m hoạt động ở ngoài tỉnh, Bình Định khẩn trương xây dựng chính sách chuyển đổi nghề và phá bỏ tàu cũ đối với nhóm tàu nguy cơ cao vi phạm IUU để sớm trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

Thị xã Hoài Nhơn có lực lượng tàu cá đánh bắt xa bờ lớn nhất Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thị xã Hoài Nhơn có lực lượng tàu cá đánh bắt xa bờ lớn nhất Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bất cập trong xác nhận nguồn gốc thủy sản

Vừa qua, Ðoàn công tác liên ngành của Bình Định do Sở NN-PTNT  chủ trì đã kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch triển khai đợt cao điểm “180 ngày hành động” chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tại thị xã Hoài Nhơn, địa phương có lực lượng tàu cá đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh này. Hiện Hoài Nhơn có 2.340 tàu cá; trong đó có 2.108 tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi, 232 tàu có chiều dài dưới 15m hoạt động vùng lộng.

Tại Hoài Nhơn, đoàn công tác đã phát hiện những bất cập trong công tác xác nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản đánh bắt tại Cảng cá Tam Quan.

Theo ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá và Dịch vụ đô thị thị xã Hoài Nhơn, theo quy định, Cảng cá Tam Quan là cảng cá được chỉ định để thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản đánh bắt.

Tuy nhiên, tại đây đang tồn tại đến 14 bến cá tư nhân, từ trước đến nay ngư dân Hoài Nhơn có thói quen cập tàu về các bến cá tư nhân để bán sản phẩm, gây khó cho ngành chức năng trong công tác kiểm soát nguồn gốc sản phẩm.

Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) được chỉ định là cảng cá đủ điều kiện thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản đánh bắt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) được chỉ định là cảng cá đủ điều kiện thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản đánh bắt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Mỗi khi tàu cá cập bến, Ban Quản lý Cảng cá Tam Quan phải cử lực lượng chuyên môn xuống tận các bến cá tư nhân kiểm tra và xác nhận nguồn gốc thủy sản. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp “chữa cháy” để đáp ứng quy định chứ không thể duy trì mãi được, vì EC yêu cầu việc xác thực nguồn gốc phải thực hiện ngay tại cảng cá được chỉ định có đầy đủ chức năng.

Do vậy, Ban Quản lý Cảng cá Tam Quan đề nghị chính quyền các xã có tàu cá tích cực tuyên truyền và hướng dẫn người dân đưa tàu vào nơi được chỉ định để việc xác nhận nguồn gốc thủy sản đúng quy định”, ông Khải chia sẻ.

Cũng theo ông Khải, bên cạnh “điểm nghẽn” về công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản, địa phương này còn gặp khó về việc các chủ tàu hiện vẫn chưa đáp ứng được việc ghi chép nhật ký chính xác. Qua kiểm tra, ngành chức năng phát hiện có đến khoảng 50% các thông tin như tọa độ, thời gian, sản lượng đánh bắt trong nhật ký sai so với thực tế.

“Ngành chức năng thị xã Hoài Nhơn đang phối hợp với UBND các phường Hoài Hương, Hoài Thanh, Tam Quan Nam… thành lập nhóm Zalo quản lý chặt chẽ tàu neo đậu và khai thác ở ngư trường miền Nam nhiều năm không về địa phương; phối hợp với các địa phương liên quan theo dõi chặt chẽ lịch trình nhóm tàu cá nói trên hoạt động; yêu cầu các chủ tàu phối hợp thông báo lịch trình, vùng biển tàu cá khai thác cũng như bến neo đậu để theo dõi”, ông Trương Nam Phong, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Hoài Nhơn cho hay.

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button