Organic

Lúa Nhật sản xuất theo tiêu chuẩn SRP được mùa chưa từng có

KIÊN GIANG Nông dân huyện Hòn Đất rất phấn khởi khi giống lúa ĐS1 trúng mùa chưa từng có. Không những thế, lúa sản xuất theo tiêu chuẩn SRP giúp giảm sử dụng phân, thuốc hóa học.

ĐS1 thắng lớn ở vùng Tứ giác Long Xuyên

Hòn Đất là một trong những huyện thuộc tỉnh Kiên Giang nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Đây là huyện có diện tích sản xuất lúa lớn của vùng. Vụ đông xuân 2022 – 2023, toàn huyện xuống giống gần 80.000ha. Hiện nay, nông dân nơi đây đang thu hoạch rộ lúa đông xuân, với niềm vui trúng múa, được giá, lợi nhuận khá cao, nhất là sản xuất giống lúa ĐS1 (lúa Nhật).

Hộ anh Trần Văn Diễn (bên phải) vụ đông xuân 2022-2023 sản xuất 15 ha giống lúa ĐS1

Hộ anh Trần Văn Diễn (bên trái) vụ đông xuân 2022 – 2023 sản xuất 15ha giống lúa ĐS1, lúa trúng mùa được giá, lợi nhuận gần 40 triệu đồng/ha. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Trần Văn Diễn ở ấp Sơn Hòa, xã Nam Thái Sơn (huyện Hòn Đất) vụ này canh tác tới 15ha giống lúa ĐS1. Nhờ giống lúa ĐS1 thích nghi với thổ nhưỡng và thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên lúa trúng mùa, năng suất rất cao. Anh Diễn cho biết, bản thân đã sản xuất giống lúa ĐS1 nhiều năm qua. Trước đây, anh mua giống lúa này từ An Giang, nhưng do bị hút hàng nên thiếu mất 2 bao (50 kg/bao) đành mua thêm ở Kiên Giang để sạ riêng.

Đến cuối vụ so sánh thấy giống lúa ĐS1 do Kiên Giang cung cấp cho bông chùm và chắc hạt nên năng suất nhỉnh hơn. Từ đó, anh luôn chọn mua giống lúa ĐS1 cấp xác nhận do Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang sản xuất và cung ứng. Giống thuần chủng, hạn chế được hiện tượng lúa cỏ (lúa ma) nên đỡ tốn chi phí khử lẫn.

Tài trợ bởi
Lúa Nhật sản xuất theo tiêu chuẩn SRP được mùa chưa từng có 1

Anh Diễn phấn khởi: “Tôi vừa thu hoạch xong 30 công lúa, cân bán lúa tươi cho thương lái được hơn 31 tấn, năng suất như vậy là rất cao. Giá lúa ĐS1 hiện nay là 7.200 đồng/kg, tính ra mỗi ha bán được trên 70 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 40 triệu đồng”.

Tài trợ bởi Lúa Nhật sản xuất theo tiêu chuẩn SRP được mùa chưa từng có 2

Tương tự, hộ anh Huỳnh Văn Sấm ở cùng địa phương cũng trúng mùa với giống lúa ĐS1. Anh Sấm chia sẻ: “Tôi đã trồng giống ĐS1 trên 5 năm qua, với cả chục vụ liên tiếp nết rất hiểu tính nết của giống lúa này. Đây là giống dài ngày, tốn công và chi phí chăm sóc nhưng bù lại cho năng suất rất cao. Tôi làm vụ trúng nhất đạt tới 1,4 tấn/công, còn trung bình là từ 1,1 – 1,2 tấn/công (công 1.296m2)”.

Theo ông Đào Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái Sơn, toàn xã có 11.875ha đất lúa, trong đó vụ này giống lúa ĐS1 chiếm tới hơn 7.000ha. Giống lúa này phù hợp canh tác trên nền đất phèn, cho năng suất cao nên đạt hiệu quả kinh tế. Kỹ sư Nguyễn Văn Chí, cán bộ kỹ thuật Trạm Trồng trọt – BVTV huyện Hòn Đất cho biết, giống lúa ĐS1 hiện được nông dân chọn sản xuất khá nhiều, vụ này chiếm khoảng gần 50% diện tích sản xuất của toàn huyện, lên đến khoảng 40.000ha.

Tuy nhiên ông Chí khuyến cáo nông dân nên chọn mua lúa giống của các đơn vị sản xuất đạt chuẩn để canh tác. Tránh tình trạng lấy lúa thịt làm lúa giống hay mua lúa giống trôi nổi, giống bị thoái hóa, dễ làm phát sinh lúa cỏ và ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng gạo.

Từng bước chuyển sang hướng hữu cơ

Cũng tại xã Nam Thái Sơn, nhiều hộ xã viên của HTX Nông nghiệp Hiệp Lợi đã tham gia Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo xanh Việt Nam (GIC Việt Nam) với quy trình sản xuất lúa bền vững – SRP. Đây là quy trình sản xuất không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn để gạo xuất khẩu mà còn từng bước chuyển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sinh thái.

Theo đó, trước khi bắt tay vào sản xuất, nhà nông được tập huấn đầy đủ kiến thức về tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững, sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học có trách nhiệm, quản lý tốt dư lượng nhằm ổn định sinh thái vùng đất sản xuất lúa.

Nông dân xã Mỹ Hiệp Sơn sản xuất lúa theo quy trình SRP, giúp giảm chi phí, bảo vệ môi trường, tăng lợi nhuận. Ảnh: Trung Chánh.

Sản xuất lúa theo quy trình SRP giúp giảm phân bón, thuốc BVTV hóa học, bảo vệ môi trường, từng bước chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Ảnh: Trung Chánh.

TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, sản xuất lúa theo chuẩn SRP, nông dân áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, sạ thưa với lượng lúa giống 100 kg/ha. Nông dân giảm 30% lượng phân bón vô cơ, thay thế bằng lượng phân hữu cơ để nâng cao chất lượng lúa gạo. Đồng thời, áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, giúp giảm 50% số lần sử dụng thuốc BVTV, vừa giảm chi phí đầu tư vừa bảo vệ môi trường. Quy trình cũng áp dụng tưới tiết kiệm nước với quy trình ngập – khô xen kẽ, quản lý rơm rạ sau thu hoạch, từ đó giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Lê Văn Đỏ, hộ nông dân tham gia dự án đánh giá: “Vụ đông xuân 2022 – 2023 thời tiết thuận lợi, nông dân được hỗ trợ kỹ thuật, giống lúa ĐS1 sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, nông dân phun xịt dựa trên ngưỡng cho phép. Qua đó, chi phí sản xuất thấp hơn so với ruộng đối chứng 2 triệu đồng/ha. Tổng thu đạt 72 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 36,5 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng 5 triệu đồng/ha”.

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button